Phân biệt tai biến mạch máu não và đột quỵ

Phân biệt tai biến mạch máu não và đột quỵ

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm tai biến mạch máu não và đột quỵ. Vậy hai bệnh này có khác nhau không? Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ càng hơn nhé!


Rất nhiều người nhầm lẫn về việc tai biến mạch máu não và đột quỵ là hai bệnh khác nhau. Một phần lớn khác cũng cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi và là bệnh của tim mà không liên quan đến não bộ. Thực chất đây là những quan niệm sai lầm khiến người trẻ ngày càng chủ quan hơn, và các trường hợp tai biến ở người trẻ tuổi cũng ngày một tăng lên. Bài dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tai biến mạch máu não và đột quỵ nhé.

Tai biến và đột quỵ giống nhau hay khác nhau?

Tai biến mạch máu não và đột quỵ là những cách gọi khác nhau của cùng một bệnh. Tai biến mạch máu não là bệnh mà nơi khởi phát là ở các mạch máu dùng để nuôi dưỡng não do mạch máu não bị tắc hoặc bị vỡ. Đột quỵ là tên gọi chỉ ra sự cấp tính của bệnh. Tai biến mạch máu não gây ra cho người bệnh một số triệu chứng như đột nhiên mất khả năng nói chuyện, nói ngọng, mắt nhìn mờ... và đột quỵ là khi người bệnh bỗng dưng gục xuống, hôn mê và sau khi tỉnh lại có thể bị các di chứng khác như tàn tật hay tử vong.

Tai biến và đột quỵ

Tai biến và đột quỵ thực chất là một loại bệnh

Các loại tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não do mạch máu lên não đột ngột ngưng trệ khiến não bộ bị tổn thương, rối loạn chức năng hoặc chết não. Sự gián đoạn máu lên não xảy ra khi mạch máu tắc vỡ, gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Tai biến mạch máu não có 2 loại chính là chảy máu não và thiếu máu não cục bộ. Mỗi loại có nhiều thể nhỏ hơn với nhiều đặc điểm khác nhau:

Chảy máu não

Xuất huyết não chiếm số ít, chỉ khoảng 15% trong tổng số các ca tai biến mạch máu não và mỗi vị trí khác nhau lại có nguyên nhân khác nhau, cụ thể như sau:

  • Chảy máu bao trong:

Chảy máu bao trong thường do cao huyết áp gây nên, máu chảy nhiều. Vỡ động mạch bèo vân gây ra nguy cơ tử vong rất cao dù là điều trị nội khoa hay phẫu thuật.

  • Chảy máu thùy não

Thùy não nằm dưới vỏ não, tai biến mạch máu não ở vùng thùy não thường gặp ở những người trẻ tuổi, tuy nhiên thường không tìm được nguyên nhân chính xác nên thường được gọi là tự phát. Khi bị chảy máu thùy não được cấp cứu kịp thời thì kết quả điều trị rất khả quan.

  • Chảy máu thân não

Thân não là phần sau của não nối tiếp với tủy sống. Chảy máu thân não cực kỳ nguy hiểm với đa số trường hợp tử vong. Chỉ khi ổ chảy máu nhỏ và được cấp cứu nhanh thì mới có thể cứu được.

  • Chảy máu tiểu não

Tai biến xảy ra trong tiểu não cũng cực kỳ nguy hiểm tuy nhiên chỉ cần được phát hiện và phẫu thuật sớm thì đều có kết quả tốt .

  • Chảy máu não thất

Máu chảy trong não thất hoặc từ mô não vào não thất. So với chảy máu thân não và tiểu não thì chảy máu não thất không nguy hiểm bằng, trừ khi maú chảy thẳng vào não thất nhưng lại chèn ép lên thân não.

Có hai loại đột quỵ

Có hai loại đột quỵ tai biến mạch máu não

Thiếu máu não cục bộ

Tai biến do thiếu máu não cục bộ xảy ra khi mạch máu não bị tắc khiến cho mô não không được nuôi dưỡng dẫn tới chết não, hoại tử. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu máu não cục bộ là xơ vữa động mạch, cao huyết áp và các bệnh tim mạch…

Thiếu máu não cục bộ xảy ra với 2 loại chính:

  • Cơ chế huyết động: Mạch máu lớn ngoài não bị hẹp ít nhất là 70% gây cản trở máu lên não, xuất hiện các dấu hiệu tai biến mạch máu não lâm sàng.
  • Cơ chế mạch đến mạch: Thường gặp ở các mạch máu lớn vùng cổ do tiểu cầu bám vào mảng xơ vữa bị dòng máu đẩy khiến tiểu cầu bong ra, trôi lên và tắc ở những nơi mạch máu có đường kính nhỏ, làm kẹt mạch máu não. Tuy nhiên độ dính của tiểu cầu yếu nên thường sẽ tự tan và khiến chỗ tăc máu lưu thông, người bệnh có thể trở lại bình thường chỉ trong vài phút. Người bị tai biến trong trường hợp này không gây nguy hiểm, gọi là thiếu máu não thoáng qua.

Tuy nhiên nếu tiểu cầu vẫn chưa tan ra hết mà hồng cầu và sợi tơ huyết đã bám vào cục máu thì chỗ bị tắc sẽ có độ kết dính cao, không thể tự tan gây tai biến mạch máu não. Cục tắc không bong ra mà lớn dần gây ứ đọng cần được phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.

Việc xử lý trong giờ đầu giữa hai loại tai biến là chảy máu não và thiếu máu não đôi khi trái ngược nhau nên nếu nhầm lẫn sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Biểu hiện báo hiệu chứng đột quỵ não

Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não có thể gây ra các triệu chứng như rối loạn ý thức, nhức đầu... Nếu như 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau xuất hiện đột ngột thì có nguy cơ đột quỵ não cao đến 90-95% mà chúng ta cần nhớ:

  • Liệt mặt: Nếp nhăn tại mũi- má bị mờ, miệng lệch sang một bên
  • Liệt hoặc yếu tay, chân: Không thể cầm nắm hay đi lại
  • Rối loạn ngôn ngữ: Nói không nên lời hoặc lời nói không rõ ràng một cách đột ngột
  • Thời điểm phát bệnh: Khi gặp những triệu chứng này cần ngay lập tức gọi cấp cứu đồng thời ghi nhớ thời điểm phát bệnh để báo với nhân viên y tế hỗ trợ cho việc cứu chữa.

Làm gì khi có người bị tai biến hay đột quỵ?

- Đỡ để người bệnh không bị té ngã. Gọi người trợ giúp và xe cấp cứu ngay lập tức đồng thời theo dõi để phát hiện các thay đổi trong tình trạng người bệnh.

- Nếu người bệnh suy giảm ý thức hoặc nôn mửa thì cần đặt người bệnh ở tư thể nằm nghiêng an toàn được minh họa ở hình dưới đây:

Cách sơ cứu người bị đột quỵ

Cách sơ cứu người bị đột quỵ suy giảm ý thức có dấu hiệu nôn mửa

  • Nếu như người bệnh còn tỉnh táo thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ
  • Nếu người bệnh ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo để cung cấp oxy cho não kịp thời.

Những điều không được làm khi có người bị tai biến hay đột quỵ

  • Không tự ý điều trị cho bệnh nhân mà bỏ qua thời gian chữa trị bệnh tốt nhất, Không châm cứu, bấm huyệt hay đánh gió tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh
  • Không được để bệnh nhân ăn uống đề phòng trào ngược, nôn mửa. Bệnh nhân hít dịch nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm
  • Không được tự ý dùng các loại thuốc, đặc biệt là thuốc hạ huyết áp và các loại thuốc nhỏ dưới lưỡi. Trong trường hợp chắc chắn huyết áp >220/120 mmHg thì mới dùng hạ huyết áp.

Hiện nay các ca bị tai biến mạch máu não đột quỵ ở nước ta không ngừng gia tăng và để lại nhiều di chứng xấu. Người bệnh có nguy cơ tái phát đột quỵ và tử vong rất cao, xảy ra với cả người trẻ lẫn người lớn tuổi.

Tai biến mạch mãu não xảy ra ở người cao tuổi chủ yếu do chức năng cơ thể suy giảm, có bệnh mãn tính trong người như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường...

Tai biến mạch máu não cần được hiểu biết đúng đắn

Tai biến mạch máu não cần được hiểu biết đúng đắn và phòng ngừa kịp thời

Còn người trẻ bị đột quỵ nhiều thường do có quá nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống dẫn đến mất ngủ, căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên. Ngoài ra còn do lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và chế độ dinh dưỡng mất cân đối, lười vận động gây ra đột quỵ. Biết được các nguyên nhân đột quỵ chúng ta có thể chủ động phòng tránh căn bệnh này một cách hiệu quả ngay từ lúc này.

Trên đây Khỏe Là Hạnh Phúc đã giải đáp cho các bạn câu hỏi về phân biệt tai biến mạch máu não và đột quỵ, các loại tai biến thường gặp cũng như cách xử trí khi có người bị đột quỵ. Hi vọng rằng chúng ta đều đã có cho mình những thông tin hữu ích về căn bệnh này để chủ động phòng ngừa cũng như khắc phục ngay khi bệnh xuất hiện.

>>> Xem thêm: "Thắt tim" với những biến chứng tai biến mạch máu não nguy hiểm

1 lượt
Vote :