Cao huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Cao huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Cao huyết áp là bệnh phổ biến hiện nay và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim...


Cao huyết áp là một loại bệnh về tim mạch nguy hiểm vì tiến triển của bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ sau khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc xảy ra biến cố thì người bệnh mới biết. Việc không được chẩn đoán cũng như điều trị sớm gây nên rất nhiều hậu quả đáng tiếc.

Cao huyết áp là gì?

Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh liên quan đến tim mạch mãn tính. Khi áp lực tim bơm tống máu đi quá nhiều và nhanh khiến áp lực máu tác động đẩy lên thành động mạch quá cao gây nên cao huyết áp. Nếu áp lực này tiếp tục cao sẽ tăng gánh nặng cho tim và gây nhiều sức ép hơn đến các mô, khiến mạch máu tổn hại dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe khác như tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, suy tim...

Cao huyết áp

Cao huyết áp gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

Huyết áp cao là bao nhiêu?

Huyết áp hay còn được hiểu là áp lực của máu lên thành động mạch và được xác định bởi các chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp tối ưu và được coi là bình thường ở mức dưới 120/80 mmHg. Cao huyết áp là khi huyết áp luôn ở mức từ khoảng 140/90mmHg trở lên.

Huyết áp trên 140/90mmHg

Huyết áp trên 140/90mmHg được cho là huyết áp cao

Triệu chứng của cao huyết áp

Triệu chứng của cao huyết áp trên thực tế đa phần đều rất mờ nhạt. Hầu hết những người bệnh cao huyết áp đều không thể nhận thấy được các triệu chứng này dù cho bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng. Chỉ có một số người có các triệu chứng nhẹ và ít ai để ý tới như như đau đầu, khó thở, xuất huyết kết mạc, tê ngứa các chi, buồn nôn và dễ nôn, choáng váng chóng mặt, đau tim... Chảy máu cam cũng là một triệu chứng rất hiếm của bệnh này.

Bởi vậy nên cao huyết áp là một "kẻ giết người thầm lặng" khiến không biết bao nhiêu gia đình đau khổ vì cho đến khi bệnh tiến triển tới giai đoạn rất nghiêm trọng vẫn không có dấu hiệu gì rõ ràng thậm chí là hầu như không có triệu chứng. Các biến chứng tim mạch khi cao huyết áp nặng có thể xuất hiện một cách đột ngột và gây ra tử vong chỉ trong chớp mắt.

Nguyên nhân gây cao huyết áp

Cao huyết áp nguyên phát

Cao huyết áp nguyên phát hay còn gọi là cao huyết áp vô căn tức là không có có nguyên nhân cụ thể, thường chiếm tỉ lệ cao khoảng 90% các trường hợp. Đây là bệnh do di truyền và thường phổ biến hơn ở nam giới.

Cao huyết áp thứ phát

Cao huyết áp thứ phát chiếm khoảng 5-10% trên tổng số các ca cao huyết áp, là hệ quả của bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hoặc có thể là tác dụng phụcủa một số loại chất có trong thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, rượu bia hay thuốc lá.

Đối với nguyên nhân cao huyết áp thứ phát thì dễ điều trị hơn vì chỉ cần trị dứt điểm nguyên nhân gây thứ phát như điều trị bệnh, dừng các loại thuốc cảm, thuốc tránh thai... và thay đổi lối sống là có thể giải quyết được.

nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp

Cao huyết áp tâm thu đơn độc

Là chỉ số huyết áp tâm thu tăng lên trong khi huyết áp tâm trương vẫn ở mức bình thường. Nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc thường là do người cao tuổi, hệ thống động mạch giảm tính đàn hồi và xảy ra tiến trình lắng đọng canxi và collagen thời gian dài trên thành động mạch.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng giống như tăng huyết áp thông thường, xảy ra nhiều ở những người ăn nhiều muối, nhiều chất béo và thực phẩm chế biến, những người uống rượu bia, hút thuốc... cùng lối sống ít vận động.

Cao huyết áp thai kỳ

Nguyên nhân dẫn đến phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp là do thiếu máu trầm trọng, quá nhiều nước ối, đa thai, thai phụ dưới 20 tuổi quá trẻ hoặc thai phụ trên 35 tuổi, mang thai con đầu lòng, có tiền sử cao huyết áp hoặc đái tháo đường...

Tăng huyết áp thai kỳ thường xảy ra ở sau tuần thai thứ 20, là một dạng tăng huyết áp đơn thuần. Tiền sản giật có thể xảy ra sau khi thai nhi được 12 tuần tuổi, kèm theo một số triệu chứng như phù nề, có đạm trong nước tiểu.

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể bị tăng huyết áp

Cách làm giảm huyết áp tại nhà

Tránh thừa cân, béo phì

Huyết áp tăng lên khi trong lượng cơ thể tăng lên. Tình trạng thừa cân, béo phì cũng có thể dẫn đến rối loạn hô hấp (ngưng thở) trong khi ngủ và gây nên cao huyết áp.

Thay đổi lối sống bằng cách giảm cân, tránh thừa cân giúp phòng chống và kiểm soát huyết áp hiệu quả. Khi trọng lượng cơ thể giảm 1kg thì huyết áp sẽ giảm 1mmHg.

Cần chú ý giảm vòng bụng vì bụng quá to dẫn tới nguy cơ cao huyết áp. Đàn ông nên kiểm soát vòng eo dưới 102 cm và phụ nữ là dưới 89 cm.

Các cách làm giảm huyết áp

Các cách làm giảm huyết áp tại nhà

Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục là cách giúp giảm huyết áp tại nhà hữu hiệu nhất. Bạn nên tập thể dục khoảng 150 phút mỗi tuần hoặc 30 phút/ngày. Việc duy trì lối sống này có thể làm giảm từ 5-8mmHg huyết áp nếu bạn bị cao huyết áp.

Việc tập luyện cần đều đặn vì nếu ngừng tập thì huyết áp có thể tăng trở lại. Tập thể dục cải thiện sức khỏe của tim, giúp tim bơm máu hiệu quả và giảm áp lực máu lên thành động mạch.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Chế độ ăn uống giàu các loại rau, củ , quả và các sản phẩm từ hạt, sữa ít béo, cá, thịt gia cầm... và không sử dụng chất béo bão hòa chứa nhiều cholesterol sẽ rất có ích cho người cao huyết áp, có thể giúp huyết áp giảm tới 11mmHg.

Cần lưu ý hạn chế muối ăn chỉ khoảng thấp hơn 1000mg/ngày đối với người lớn tuổi và dưới 2300mg/ngày đối với người trưởng thành. Hạn chế đồ uống có cồn, caffeine và tốt nhất là bỏ thuốc lá.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng trong kiểm soát huyết áp

Giảm căng thẳng

Tâm trạng thường xuyên bị áp lực, căng thẳng là nguyên nhân trực tiếp gây nên tăng huyết áp. Về mặt sinh lý, căng thẳng kéo dài khiến nhịp tim tăng và thu hẹp ở các mao mạch.

Tìm ra nguyên nhân khiến bạn bị stress như công việc, cuộc sống gia đình, tài chính hay sức khỏe, từ đó cố gắng thư giãn và loại bỏ căng thẳng. Nếu như quá khó khăn, hãy thực hiện một số hoạt động mà bạn ưa thích hoặc ngồi im và hít thở sâu. Điều này có thể làm giảm căng thẳng và đưa huyết áp về mức bình thường.

Thường xuyên theo dõi và khám định kỳ

Theo dõi huyết áp tại nhà bằng một số loại máy đo huyết áp hoặc đi khám bệnh định kỳ có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp. Ngoài ra theo dõi huyết áp thường xuyên bạn cũng có thể biết được với những bước thay đổi lối sống trên có thực sự hiệu quả hay không để điều trị bước tiếp thep.

Điều trị cao huyết áp

Mục tiêu khi điều trị cao huyết áp đó là giữ cho huyết áp người bệnh ổn định và ở mức cho phép, thông thường dưới 140/90mmHg, Đối với người bệnh cao huyết áp cùng các bệnh liên quan như đái tháo đường hay thận thì cần phải giữ huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80mmHg với liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn. Các mức huyết áp mục tiêu phụ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân.

Điều trị cao huyết áp

Điều trị cao huyết áp tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân

Nếu như các cách giảm huyết áp tại nhà như trên không có hiệu quả cải thiện tình trạng, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc theo toa, theo dõi và thay đổi tăng giảm liều, thêm hoặc bớt thuốc cho đến khi xác định phác đồ thích hợp nhất với từng bệnh nhân. Điều trị cao huyết áp là điều trị trọn đời nên bệnh nhân không được tự ý ngừng điều trị và cần thông báo cho bác sĩ về tất cả những thay đổi cũng như tác dụng phụ trong thời gian dùng thuốc theo phác đồ.

Bài trên đây Khỏe Là Hạnh Phúc đã chia sẻ một vài thông tin liên quan đến bệnh cao huyết áp. Các bệnh mãn tính liên quan đến huyết áp, tim mạch luôn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Khám bệnh định kỳ chính là chìa khóa để phát hiện và điều trị cao huyết áp kịp thời, tránh các biến chứng. Đồng thời người bệnh cũng cần nghiêm túc thay đổi lối sống của bản thân và phối hợp với bác sĩ để giúp cho việc điều trị có hiệu quả. 

>>> Xem thêm: Top 5 máy đo huyết áp tốt nhất năm 2019

1 lượt
Vote :